Triết lý kiến trúc tháp Tháp_(Phật_giáo)

Người ta cho rằng, khi Phật tịch diệt, ngài đặt cái bát lên trên bộ quần áo, trao lại cho đệ tử, nên gọi là trao y bát, tức là truyền thừa cho người kế tục. Cái bát úp trở thành hình thức mộ tháp ban đầu. Từ stupa Sanchi đến các tháp ở Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, và Borobudur ở Indonesia, tháp ở Trung Hoa và Nhật Bản, là một lịch sử kiến trúc và điêu khắc phong phú và biến đổi theo từng quan niệm của Phật giáo khi đi vào từng địa phương. Tháp trở thành một biểu tượng không chỉ của Phật giáo, mà còn là sức mạnh của nhà nước sùng Phật giáo đó, của sự hướng thượng, khẳng định vị thế Phật vương, và sự giác ngộ cái vô cùng là trời đất, vũ trụ, nên tháp cũng là một vũ trụ thu nhỏ, là núi Tu Di, nơi tựa của thế giới hay núi của thần thánh.[1]

Tây Tạng và Phật giáo Nguyên thủy

Tháp dạng Chorten gần LhasaTây Tạng

Hình dạng của Phật tháp biến đổi dần khi đi về phương Bắc. Tại Tây Tạng, trên cơ sở của hình bán cầu ban đầu, tháp có thêm những phần mới như chân tháp, thân tháp, ngọn tháp. Ngày nay ở các quốc gia theo Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Kim Cang thừa như: Ấn Độ, vùng lãnh thổ Tây Tạng, Mông Cổ, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia... tháp thường có cơ bản năm phần, từ dưới lên trên kết cấu như một con người ngồi tọa thiền:

  • Đế hình vuông thể hiện Địa Đại (đất)
  • Phần bầu tròn thể hiện Thủy Đại (nước)
  • Phần các nón nhọn hướng lên thể hiện Hỏa Đại (lửa).
  • Phần lọng che thể hiện Phong Đại (gió)
  • Phần trên cùng thể hiện Không Đại (một khái niệm triết học trừu tượng có nghĩa "vừa là tinh thần vừa là vật chất, vừa là tất cả vừa không là gì").

Năm cái này với con người sẽ sinh ra: xúc, vị, hương, thanh, sắc (cũng từ dưới lên trên: xúc giác - cảm xúc, màu sắc, vị, hương, tiếng và sắc). Qua cái tháp, con người sẽ tri giác được sự cấu thành của vạn vật và chính bản thân mình, sự đi lên từ vật chất đến trí huệ[1].

Trung Hoa và Phật giáo Đại thừa

Tháp Tu Di xây năm 636 (bên trái) và tháp chuông (bên phải) đời Đường của Khai Nguyên tự ở Hà Bắc, Trung Quốc

Tháp ở các quốc gia theo Phật giáo Đại Thừa như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Triều Tiên - Hàn Quốc thường có dạng như một tòa lầu nhiều tầng tuy nhiên vẫn thu nhỏ dần. Có sự thay đổi về kiến trúc này là vì theo quan niệm của người Trung Hoa, tháp là nơi chôn cất Xá lị Phật, thiêng liêng và thần thánh, phải dùng hình thức kiến trúc cao quý để tôn trí. Trung Quốc vào các thời kỳ Tần Thủy Hoàng và Hán Vũ Đế đã xây dựng lầu cao gác lớn để nghênh hầu thần tiên, nên khi thờ phụng Phật, người Trung Hoa cũng dùng loại kiến trúc vương giả này. Ngoài ra, khi ngửa đầu chiêm bái tháp cao, con người tự nhiên có lòng kính trọng và ngưỡng vọng; xây tháp cao để thờ Xá lị Phật là vì thế[4].

Tuy nhiên hình thức tháp Phức Bát của Ấn Độ không mất đi khi vào Trung Hoa. Nó đã được cải biến thành một kiểu tháp mới chia thành ba phần: Địa cung nền tháp, thân tháp và tháp sát. Tháp được dùng để an trí Xá lị Phật nên áp dụng phương thức lăng mộ địa cung để cải táng. Nền tháp làm nền tảng cho tòa tháp, phủ úp lên trên địa cung. Thân tháp là kết cấu chủ yếu của tòa tháp, có thể rỗng hoặc đặc. Tháp sát nằm ở đỉnh của tháp, bản thân giống một tòa tháp nhỏ, chia làm sát tọa, sát thân và sát đỉnh. Loại hình kiến trúc này dần dần phổ biến và được tiếp thu ở các nước chịu sự truyền bá của Phật giáo Trung Hoa[4].